Trung Quốc Đình (Á Đông)

Đình mái ngói vàng trên nóc tòa sảnh đường chính của miếu Phổ Đà Tông Thừa gần Thừa Đức, xây năm 1767–1771 thời kỳ trị vì của hoàng đế Càn Long.

Đình được biết là từng được xây dựng vào thời nhà Chu (1046–256 TCN), mặc dù hiện nay không còn dấu tích của các loại đình thời kỳ này. Sử dụng đầu tiên của chữ Hán để ghi lại âm đình có niên đại tới thời kỳ Xuân Thu (722–481 TCN) và Chiến Quốc (403–221 TCN). Trong thời kỳ nhà Hán (202 TCN–220) đình được sử dụng làm tháp canh cũng như công sở của chính quyền địa phương. Các công trình xây dựng nhiều tầng này có ít nhất một sàn không có tường bao quanh để cho phép quan sát đủ bốn phía xung quanh.

Trong thời kỳ nhà Tùy (581–618) và nhà Đường (618–907) thì các quan lại và các học giả giàu có đã cho xây dựng đình, tạ trong vườn thuộc khu nhà riêng của họ. Trong thời kỳ này thì chức năng của đình, tạ đã dịch chuyển từ thực tiễn sang thẩm mỹ. Các loại đình, tạ là nơi để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tự bản thân chúng cũng trở thành một phần của cảnh quan, do chúng cũng là các công trình xây dựng có sức hấp dẫn. Nhiều bức tranh cảnh quan thủy mặc thời nhà Tống (960–1279) vẽ các loại đình, tạ cô độc của các học giả ẩn cư trong khu vực núi non. Dưới ảnh hưởng của phong cách sống mộc mạc thôn dã của các học giả này thì các loại vật liệu như tre, cỏ và gỗ cũng được sử dụng, thay vì đá như trước đây.